Những dấu hiệu và tác hại của việc đeo kính không phù hợp a. Các dấu hiệu: - Nhức đầu - Nhìn mờ: Có thể do gọng quá chặt, nên điều chỉnh gọng rộng hơn. Độ kính quá lớn hay quá nhỏ, độ lọan không đúng trục cũng có thể là nguyên nhân... |
a. Các dấu hiệu khi đeo kính không phù hợp:- Nhức đầu: Nguyên nhân thường là:
+ Độ của kính không đúng hoặc khoảng cách đồng tử sai. Bạn nên đến cửa hàng kính có các kĩ thuật viên nhiều kinh nghiệm, nhờ đo lại độ kính với đầy đủ các phương pháp chủ quan và khách quan (phải có đủ trang thiết bị, dụng cụ), đo lại khoảng cách hai đồng tử sao cho chính xác.
+ Độ quang sai của tròng kính hoặc kính thiếu chất lượng cũng gây nhức đầu. Nên đo lại độ kính trên tiêu cự kế; nếu do kính thiếu chất lượng nên thay kính khác.
- Nhìn mờ: Có thể do gọng quá chật, nên điều chỉnh gọng rộng hơn. Độ kính quá lớn hay quá nhỏ, độ loạn không đúng trục cũng có thể là nguyên nhân. Khi đó, phải đo lại độ kính đang đeo. Nhìn mờ cũng có thể do các thành phần của kính đa tiêu đã biến đổi. Hãy đến tiệm kính thay đổi lại chiều cao đoạn tròng.
- Khó chịu về thị giác: có thể do khoảng cách hai đồng tử không đúng, độ cong đáy kính mới khác với kích thước kính đã đeo. Bạn thấy khó chịu cũng có thể do gọng kính không thích hợp (quá nặng hoặc quá nhỏ), nên thử gọng khác cho hợp với kính và khuôn mặt.
- Nhìn hai hình: Do đeo lăng kính không đúng độ hay độ cận quá cao, cần đổi kính. Cần xem lại độ của mắt (lé ẩn), khoảng cách hai đồng tử.
- Méo hình: Do dùng mắt kính chất lượng không tốt (tròng làm bằng kính cửa hay kính bày bán ngoài đường). Hãy thay tròng khác có chất lượng tốt. Độ loạn và gọng không đúng cũng gây méo hình, nên xem lại độ loạn, trục kính và thay gọng.
- Khi đọc, phải để sách quá gần hay quá xa: Có thể do bị cườm hoặc kính quá độ, thiếu độ. Cần đi khắm phát hiện cườm và đo lại độ kính với khoảng cách nhìn gần (đọc sách, báo) thích hợp.
- Đeo kính lão đọc lâu bị nhức hoặc mỏi mắt: Sự không hòa hợp giữa độ điều tiết và độ quy tụ (vì suy yếu cơ mắt) thường khiến người có tuổi đeo kính lão không đọc được lâu. Nên dùng loại kính hai tầng (hệ thống kính ống nhòm) hay kính đeo đầu có tròng xa mắt. Hiện tượng trên cũng có thể do những bệnh ở mắt gây ra. Nên đến bác sĩ khám, dùng kính lúp hai tròng hay các loại kính lúp đặc biệt.
b. Tác hại của việc đeo kính không phù hợp:- Đeo kính phải đúng độ của mắt. Đeo kính ít hơn độ của mắt sẽ làm cho người bệnh nhìn không rõ, không thoải mái, hoặc có thể gây nhược thị (Nhược thị có nghĩa là dù cho người bệnh sau này được điều chỉnh và đeo kính đúng với độ của mắt thì vẫn nhìn không rõ). Đeo kính cao hơn độ của mắt (thường gặp trong trường hợp cận thị) có thể gây nhức mỏi mắt hoặc rối loạn điều tiết (nhức đầu, nhức mắt, chóng mặt….)
- Lắp kính phải đúng tâm, đúng khoảng cách đồng tử. Lắp kính sai, không đúng tâm thường gây nhức mắt. - Nên chọn gọng kính có độ rộng vừa với gương mặt (không quá rộng hoặc quá hẹp). Gọng quá hẹp sẽ ép vào 2 bên thái dương gây cảm giác không thoải mái. Gọng kính cần được cân chỉnh đúng, không nghiêng lệch vì sẽ gây khó chịu hoặc nhìn mờ đối với trường hợp độ nặng hoặc loạn thị. Hai càng kính nên có độ dài vừa đủ và được chỉnh đúng để khi đeo kính không bị trễ ra ngoài làm cho bệnh nhân nhìn không đúng tâm hoặc không nhìn vào kính. Nếu càng kính quá ngắn sẽ móc vào lỗ tai gây đau và mỏi. Hai bên mũi phải được cân chỉnh đúng nếu không sẽ tạo cảm giác đau và để lại vết ấn lõm gây mất thẩm mỹ.
Khi có những triệu chứng trên, cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa mắt hoặc các cơ sở kinh doanh kính thuốc đạt yêu cầu về mặt chuyên môn và chất lượng (có giấy chứng nhận cơ sở chính hãng) để được tư vấn và khám chữa kịp thời.