Ông vua kính mắt của châu Âu
Ông Guenther Fielmann - Cách đây 25 năm, Guenther Fielmann mới chỉ là một anh bán kính nhà quê với vài hiệu kính nhỏ. Nhưng rồi vào một ngày năm 1981, ông bỗng nổi danh với vai trò là một kẻ nổi loạn trong giới kinh doanh kính thuốc của châu Âu.
Ông bị coi là kẻ phản bội, là kẻ bán phá giá khi cam kết với tổ chức bảo hiểm y tế địa phương về việc cung cấp kính thuốc miễn phí cho người cô đơn. Tất cả các đồng nghiệp lên án và tẩy chay ông. Song, Guenther Fielmann vẫn kiên định với ý tưởng kinh doanh của mình. Và cho đến bây giờ ông đã gần như nghiễm nhiên được công nhận là nhà kinh doanh kính thành công nhất. Ông được thán phục và được trao vương miện không chính thức là vua kính của châu Âu.
Sau đúng 32 năm trong nghề kinh doanh kính thuốc, Guenther Fielmann đã có một hệ thống cửa hàng bán kính khổng lồ với hơn 500 cửa hàng ở khắp châu Âu và những nhà máy chuyên sản xuất kính theo nhãn hiệu riêng của mình. Với phương châm bán rẻ hơn nhưng bán được nhiều hơn, Fielmann đã vươn lên đè bẹp các đối thủ. Đây là sự cạnh tranh thị trường hết sức lành mạnh và cuối cùng là người tiêu dùng được hưởng lợi rất nhiều. Vừa sản xuất vừa bán lẻ trực tiếp đến từng tay người tiêu dùng, Guenther Fielmann càng có điều kiện hơn để thực hiện chiến lược kinh doanh đầy cạnh tranh và thách thức của mình.
Kiếm tiền không hề khó. Đó là sự thật đối với Guenther Fielmann, người đã được trời phú cho tài kiếm tiền bẩm sinh. Fielmann năm nay vừa đúng 65 tuổi. Ông là con một nhà giáo thuần chất, chẳng liên quan đến buôn bán kinh doanh bao giờ. Cha của Guenther thậm chí lại rất ghét nghề đi buôn là đằng khác. Ông rất nghiêm khắc với con cái và muốn định hướng cho các con mình sau này phải trở thành các học giả, nhà nghiên cứu hay ít nhất cũng là giáo viên như mình. Thế nhưng, cậu con trai Guenther của nhà Fielmann lại tỏ ra láu cá, tinh ranh khác thường. Đặc biệt là Guenther thích tiền và thích thú với việc kiếm tiền ngay từ khi là cậu bé học tiểu học.
Không theo được con đường vào đại học, Fielmann được bố xin vào học nghề thợ kính tại một trường dạy nghề. Cậu bé học nghề 16 tuổi Fielmann vẫn luôn có trong mình sự nhạy cảm và cái máu kinh doanh dù cha ông không thích chút nào. Fielmann luôn thấy quanh mình có các cơ hội để kiếm tiền. Và ông đã không ngần ngại thực hiện, dù là những việc nhỏ nhất.
Học kỹ thuật làm kính nhưng Fielmann rất để ý đến giá cả. Sự chênh lệch giá cả giữa các chủng loại và giữa các nơi đều được Fielmann ghi nhận như một phản xạ tự nhiên. Trong đầu Fielmann đã luôn xuất hiện các ý nghĩ là nếu làm chủ hiệu kính mình sẽ lấy hàng ở đâu để được giá rẻ và bán với giá bao nhiêu để có thể cạnh tranh được. Với những tố chất kinh doanh bẩm sinh như vây, năm 1972 Fielmann đã theo nghiệp kinh doanh với một hiệu kính thuốc đầu tiên.
Phục vụ cộng đồng. Fielmann vẫn khẳng định quan điểm và triết lý kinh doanh của ông đã chịu ảnh hưởng của cha ông khá nhiều. Cha của Fielmann muốn ông phải làm được điều gì đó có ích cho nhân loại, có lợi cho số đông, cho cộng đồng. Fielmann luôn tự cho rằng ông bị ám ảnh và ảnh hưởng nhiều bởi các triết lý đó.
Chính vì vậy, ông cho rằng với giá kính rất cao như trước thì có tới ít nhất một phần ba số người bị phân biệt đối xử đã chịu thiệt thòi về kém mắt nay lại chịu mua kính thuốc với giá quá cao là điều không chấp nhận được.
Ông tuyên bố là sẽ làm gì đó để tạo ra sự bình đẳng hơn giữa người đeo kính và người không phải đeo kính. Nguồn gốc của cam kết với cơ quan bảo hiểm y tế địa phương xuất hiện từ quan điểm đó của Fielmann. Thế nhưng không phải là người làm nhân đạo hay cứu tế. Ngược lại Guenther Fielmann trước sau vẫn là một doanh nhân mà máu kinh doanh đã ăn sâu trong ông từ thuở bé. Ông nhận thấy và tin tưởng rằng vừa có thể phục vụ được cộng đồng những người đeo kính thuốc nhưng lại vẫn có thể làm giàu.
Kẻ nổi loạn hung hăng. Thực ra, ngay từ khi xuất hiện với cửa hàng kính thuốc đầu tiên tại thị trấn nhỏ Cuxhaven, anh chàng Fielmann mới vào nghề đã là cái gai của các đồng nghiệp. Bất chấp những thoả thuận ngầm đã có sẵn giữa các hiệu kính, Fielmann tự đặt cho mình những bảng giá rất riêng. Cứ giá nào có lời là ông bán. Ông bị đồng nghiệp phản đối quyết liệt vì dám quyết định thay đổi hiện trạng đang bất lợi cho người tiêu dùng.
Là người đi sau, Fielmann quyết định chấp nhận ăn chênh lệch ít để bán được hàng. Bù lại ông hi vọng sẽ bán được số lượng kính nhiều hơn. Mọi dự tính rất kinh tế của Fielmann đã hoàn toàn đúng. Với giá giảm đáng kể mà vẫn có lời, Fielmann đã thu hút được khá nhiều khách hàng đến với mình. Fielmann kiên trì với chiến lược kinh doanh này và đã thành công rất lớn.
Cạnh tranh thuyết phục. Năm 1981, Guenther Fielmann đã ký thoả thuận lịch sử với cơ quan bảo hiểm y tế địa phương. Theo đó ông sẽ không thu phí từ khách hàng đối với tất cả các kính thuốc có đơn được bảo hiểm y tế công nhận. Khách hàng lập tức đổ xô đến kính của Guenther Fielmann.
Cùng với thành công bất ngờ này, Guenther Fielmann cũng phải chịu những đòn phản ứng rất quyết liệt và cả ác hiểm của các đối thủ cạnh tranh. Thậm chí cả một số nhà cung cấp kính cũng doạ cắt nguồn cung ứng cho ông. Trên nhiều phương tiện thông tin lập tức có nhiều ý kiến độc địa cho rằng kính Fielmann chất lượng kém nên tiền nào chỉ của đó mà thôi.
Guenther Fielmann tin ở chiến lược kinh doanh của mình và coi đây cũng là một thách thức lớn để bảo đảm chất lượng kính. Ông đã đáp trả dư luận không tốt bằng một chiêu hết sức độc đáo, chưa từng có trong lĩnh vực kính. Ông cam kết bằng văn bản với mỗi khách hàng sẽ trả tiền lại nếu chất lượng không bảo đảm. Tất cả khách hàng đến bất kỳ cửa hàng kính nào trong hệ thống của Fielmann đều được bảo dưỡng, lau chùi, chỉnh sửa kính miễn phí.
Liên tục Guenther Fielmann đã đưa các dịch vụ tối đa cho khách hàng. Mỗi khách hàng của Fielmann đều nhận được một hộ chiếu kính. Ông bán bảo hiểm kính với giá rất hợp lý cho khách hàng. Kể cả khi tự khách hàng đánh rơi, làm hỏng hay thậm chí làm mất kính, Fielmann cam kết cung cấp kính mới.
Tất cả những điều mà Guenther Fielmann cam kết và thực hiện đã thực sự thuyết phục mọi khách hàng. Sự tiên phong liều lĩnh của kẻ “phá bĩnh” Fielmann đã thay đổi cả môi trường kinh doanh kính như một cuộc cách mạng thực sự.
Ông chủ mẫu mực. Khi được hỏi về bí quyết kinh doanh của mình, Guenther Fielmann bao giờ cũng nói đó là sự lao động cần cù. Ông cho rằng tuy cha mình không đem lại cho ông cái gien kinh doanh nhưng lại truyền cho con cháu một phẩm chất vô cùng quí giá là chăm chỉ, miệt mài lao đông.
Là ông chủ của cả một tập đoàn lớn nhưng Guenther Fielmann tự điều hành tất cả. Ông có mặt tại văn phòng từ sáng đến tối. Xuất thân từ người thợ kính nên ông hiểu rất rõ mọi vấn đề kỹ thuật và nhiều khi vẫn thích tự tay cầm kìm cầm dũa sửa kính.
Ông không chỉ là nhà quản lý là nhà điều hành thông thường, mà còn làâ một ông chủ rất có uy tín về cả chuyên môn lẫn trong kinh doanh. Không hề có ai trợ giúp, tự Fielmann đưa ra các chiến lược, các định hướng và các quyết định kinh doanh cho tập đoàn kính của mình. Người ta kể rằng Guenther Fielmann là một ông chủ khó tính và dễ nóng nảy. Guenther Fielmann biết nhiều, làm nhiều và đòi hỏi rất cao ở nhân viên. Mặt khác Guenther Fielmann lại là người rất quan tâm đến nhân viên. Những người làm việc chăm chỉ, cần mẫn đều được ông chủ đánh giá cao và có đãi ngộ xứng đáng.
Năm nay, đã sang tuổi 65 nhưng Guenther Fielmann chưa hề có ý định giảm bớt công việc điều hành. Ông nói: “Tôi sẽ tiếp tục làm cho đến khi nào vẫn cảm thấy thích thú với công việc điều hành hàng ngày tại tập đoàn”. Sau khi thâm nhập thành công thị trường Hà Lan, Anh và các nước Bắc Âu, Guenther Fielmann vẫn còn có tham vọng bành trướng lớn hơn. Ông muốn phát triển mạnh xuống thị trường các nước phía Nam châu Âu, nơi các nhà sản xuất kính của Italy vẫn đang chiếm ưu thế. Một mục tiêu đầy thách thức nhưng Guenther Fielmann tự cảm thấy mình vẫn rất sung sức để làm được điều đó.
(Theo Thời Báo Kinh Tế VN)